Tiểu đường thai kỳ là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Theo nghiên cứu chung từ các chuyên gia có khoảng 10% phụ nữ Việt Nam khi mang thai sẽ mắc phải căn bệnh này. Thông thường bệnh sẽ tự giới hạn sau khi sinh. Phụ nữ Việt Nam là đối tượng nguy cơ cao của đái tháo đường trong thai kỳ
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (ĐTĐ) TRONG THAI KỲ LÀ GÌ?
– Là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, được phát hiện trong thời kỳ mang thai.
– Là 1 thể bệnh ĐTĐ, chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời gian người phụ nữ mang thai. ĐTĐ thai kỳ khởi phát trong khi có thai và tự khỏi sau khi sinh
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ:
Quá trình thai nghén, cơ thể người mẹ sẽ có nhiều sự thay đổi về nội tiết tố, cân nặng, lượng đường huyết. Lúc này, cơ thể thai phụ sẽ tự điều tiết sản sinh một lượng insulin để đáp ứng lượng đường vừa đủ cung cấp cho cả mẹ và bé.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được thuận lợi sản sinh ra lượng đường vừa đủ như vậy. Sẽ có một vài trường hợp do hàm lượng insulin tăng cao, dẫn đến căn bệnh tiểu đường trong quá trình mang thai.
Hơn thế nữa, nhau thai trong quá trình phát triển có tác động trực tiếp đến insulin vô tình dẫn đến vấn đề rối loạn nội tiết tố, gây ra căn bệnh đái tháo đường thai kỳ.
HẬU QUẢ CỦA ĐTĐ TRONG THAI KỲ
– Bất thường bẩm sinh cho thai, thai to, sảy thai, sanh non
– Hạ đường huyết cho trẻ sau sanh
– Thai chết lưu
– Mẹ có nguy cơ tiền sản giật, cao huyết áp, hôn mê do nhiễm ceton máu, băng huyết sau sanh,.. Và có nguy cơ trở thành ĐTĐ thật sự sau này
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
Hầu hết các mẹ bầu mắc phải căn bệnh này đều không hề hay biết, bởi nó diễn biến rất thầm lặng cho đến một giai đoạn nhất định bệnh mới biến chứng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.
– ĐTĐ thai kỳ rất khó phát hiện nếu không làm nghiệm pháp dung nạp glucose
– Tất cả phụ nữ mang thai đều cần phải khám sàng lọc ĐTĐ thai kỳ bằng phương pháp test dung nạp đường thực hiện vào thời điểm 24-28 tuần
CÁCH KIỂM TRA ĐTĐ TRONG THAI KỲ BẰNG DUNG NẠP ĐƯỜNG
– Phụ nữ mang thai cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi đến lấy máu. Tuyệt đối không được uống sữa, nhai kẹo, kể cả singum không đường
– Lấy máu lần 1: Vào buổi sáng sớm khi đang nhịn đói (nên đến sớm để tránh mệt, xỉu vì quá đói). Sau khi lấy máu lần thứ nhất, thai phụ uống hết 1 chai đường Glucose (75g/250ml) do nhân viên phát. Uống nhanh trong vòng 5 phút.
– Lấy máu lần 2: Cách 1 giờ sau uống hết chai nước đường.
– Lấy máu lần 3: Cách 2 giờ sau uống hết chai nước đường.
* Lưu ý: + Trong thời gian chờ lấy máu lần 2, thai phụ không được ăn, uống gì ngoài nước lọc.
+ Nếu có nôn ói sau uống nước đường, thai phụ phải báo ngay cho nhân viên để hẹn làm xét nghiệm vào lần khác.
+ Nếu không tuân thủ quy trình trên, kết quả xét nghiệm dung nạp đường có thể không chính xác.
============================
PHÒNG KHÁM SẢN PHỤ KHOA HIỀN ĐỨC
Địa chỉ: 81B Bùi Thị Xuân, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM
Hotline: 19007122
Fanpage: Phòng khám sản phụ khoa Hiền Đức
Website: https://sanphukhoahienduc.com/