Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành sản phụ khoa, TS-BS Lê Văn Hiền đã gặp không ít những tình huống “dở khóc dở cười”, nhiều kỷ niệm khó quên, đặc biệt ở vai trò một bác sĩ nam với trách nhiệm chăm sóc cho phái đẹp.
Cơ duyên nào khiến BS Hiền chọn nghề sản phụ khoa?
TS-BS Lê Văn Hiền: Mọi thứ đều là một cái duyên. Khi tôi tốt nghiệp đại học chính là thời điểm nghề y rất khó xin việc làm. Trong khi gia đình tôi không có ai là người trong nghề đi trước để dẫn dắt, nên lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là chọn chuyên khoa nào mà tôi có thể dễ vào nội trú và được giữ lại làm giảng viên của trường thì cơ hội việc làm mới dễ. Khi ấy, tôi đã chọn bộ môn sản phụ khoa và trở thành nội trú và giảng viên của Trường Đại học Y Dược TP.HCM.
Tuy nhiên sau một thời gian làm việc thì tôi thấy mình may mắn vì đã chọn đúng chuyên ngành mà mình yêu thích. Khi bạn là bác sĩ các chuyên khoa khác, ít nhiều gì cũng sẽ thấy những cảnh buồn bệnh tật. Trong khi đó là một bác sĩ sản khoa, đa phần kết quả công việc của tôi là mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho các gia đình.
Lần đầu tiên đỡ đẻ thực tế
Trong suốt hơn 25 năm học và làm việc, có lẽ kỷ niệm khó quên nhất là lần đầu tiên TS-BS Lê Văn Hiền đỡ đẻ. Từ năm thứ ba đại học chúng tôi đã đi thực tập và tham gia trực cùng các anh chị bác sĩ tại các bệnh viện. Do vậy những ca đỡ sanh đầu tiên luôn được các anh chị bắt tay chỉ việc và việc tiếp cận với nghề nó diễn ra từ từ.
Tuy nhiên ca đỡ sanh đầu tiên một mình là một ấn tượng không bao giờ quên, đó là vào khoảng năm 1998 khi tôi trực tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, khi đó có một thai phụ đau bụng dữ dội vào sanh, vừa leo lên bàn khám thì tôi phát hiện ra đây là một trường hợp sanh ngôi ngược (sanh ngược là tình huống sanh khó), nhưng chân của em bé đã thò ra bên ngoài.
Trong tình huống này tôi chỉ biết kêu các bạn đi gọi bác sĩ hỗ trợ và đồng thời tự mình đứng đỡ sanh luôn. Cuộc sanh diễn ra nhanh đến mức mà những lý thuyết của đỡ sanh ngôi ngược như thế nào chưa kịp hiện ra trong đầu tôi. Sau khi đỡ sanh ra một bé trai nặng 3,2 kg, khỏe mạnh với sự vui mừng của gia đình sản phụ và toàn thể ekip bác sĩ, nữ hộ sinh trực. Còn tôi thì cứ cảm thấy lâng lâng và cảm giác như người hùng, vì biết rõ sanh ngôi ngược vô cùng nguy hiểm và nhiều tai biến.
Cảm giác lâng lâng ấy cứ đeo tôi đến sáng cho đến khi giao ban, cô trưởng khoa kêu tôi lên mô tả kỹ thuật đỡ sanh ngôi ngược ca tối qua và nói tối qua tôi cũng có một chút may mắn khi việc sinh nở thiên vào tự nhiên, thế nhưng lần đầu tiên như vậy thì cũng khá bản lĩnh đấy.
Kỷ niệm nào khó quên nhất đối với BS Hiền trong quãng thời gian hành nghề?
Trong suốt thời gian hành nghề vui có, buồn có nhưng có lẽ một kỷ niệm buồn và là một ấn tượng kinh hoàng khi mới bước chân vào nghề. Vào một đêm trực tôi gặp một bệnh nhân nữ được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Qua thăm khám thì tôi phát hiện ra cô gái đã phá thai ở một cơ sở chui, trong tình trạng thủng tử cung và lôi xuống một phần mỡ chài. Chúng tôi tiến hành mổ cho cô gái, vá lại lỗ thủng, cắt một phần mỡ chài và kiểm tra ruột. May cho cô gái đã vượt qua được cuộc đại phẫu và cứu được mạng sống cho cô, tuy nhiên khả năng sinh sản của cô sau này không biết sẽ như thế nào. Đó là một ấn tượng khó phai khiến tôi ám ảnh và không nhận nạo phá thai sau này là vậy. Và tôi mong các cô gái trẻ, hãy biết cách chăm sóc bản thân, đừng vì một giây phút lỡ lầm mà đem đến hậu quả nghiêm trọng sau này.
Rất cảm ơn những chia sẻ chân tình của TS-BS Lê Văn Hiền về những vui buồn khó quên trong suốt quãng thời gian làm nghề.