Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Văn Hiền được mệnh danh là “bàn tay vàng” khi giúp Minh Hằng có con bằng IVF, được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Diệp Lâm Anh, Bảo Anh, Trà My Idol… giao phó cả thai kỳ đến khi sinh con thành công.
Những ai thường xuyên theo dõi hành trình sinh nở của các ngôi sao, hẳn cũng một lần nhìn thấy sự xuất hiện của vị bác sĩ điển trai, có nụ cười thân thiện trong những khoảnh khắc đặc biệt nhất của các nghệ sĩ. Đó là Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Văn Hiền, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa và vô sinh hiếm muộn.
Đồng thời, bác sĩ Hiền cũng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tổng Thư ký Hội Sản Phụ khoa TP.HCM, Ủy viên Ban chấp hành Hội Sàn chậu học TP.HCM.
Một ngày cuối tháng 4, tranh thủ giờ nghỉ ít ỏi trong ngày, “bác sĩ ngôi sao” Lê Văn Hiền đã dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện thân tình, chia sẻ những câu chuyện thú vị trong nghề.
Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Văn Hiền
Động lực nào thúc đẩy anh theo đuổi ngành Y?
Năm 18 tuổi, tôi thi 3 trường khối A và 2 trường khối B là ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Y Phạm Ngọc Thạch. May mắn là tôi đậu hết 5 trường Đại học. Tôi băn khoăn không biết nên theo học trường nào thì lại nhớ một câu nói của bố mình, rằng ông mơ ước trong gia đình có một người làm Thầy. Thầy giáo hoặc thầy thuốc đều được. Vậy nên tôi chọn học trường Y.
Quá trình học của tôi cũng như bao sinh viên khác, nhưng đến khi ra trường tôi mới thấy để tìm được công việc không phải dễ. Một là phải có thân thế, quan hệ, hai là phải có tiền. Tôi lúc đó chẳng có gì trong tay, nhưng vì tôi là sinh viên ưu tú nên được chọn giữ lại trường để học nội trú. Mỗi năm trường chỉ giữ lại từ 2-4 người thôi, lúc đó may mắn thì tôi được chọn vì tôi là top của nhóm sản. Năm đó sản khoa lấy 4 người thì tôi là người đầu tiên được chọn giữ lại trường. Sau đó học thêm 4 năm nữa về sản phụ khoa và vô sinh hiếm muộn, quá trình học của tôi tổng là 10 năm.
Vì sao lại là sản khoa mà không phải là một chuyên khoa nào khác?
Ban đầu, tôi chọn sản khoa vì thấy có nhiều cơ hội cho sau này. Rồi một thời gian sau khi đi làm, từ tính cách đến tính chất công việc đã khiến tôi cảm thấy yêu nghề. Tôi may mắn vì đã chọn đúng ngành.
Trong những buổi họp lớp, nhiều bác sĩ cùng khóa với tôi họ làm chuyên khoa tim mạch, ung bướu hay cấp cứu thì toàn tiếp xúc với nỗi buồn: nhìn bệnh nhân ra đi, mắc bệnh nan y, khổ đau vì bệnh tật… Nhưng ngành của tôi thì hầu hết là niềm vui. Tôi mang đến cho mọi người hạnh phúc và hy vọng. Họ đi 1 nhưng về 2, đó là những khoảnh khắc giúp tôi nhận ra mình đã chọn đúng ngành.
Bên cạnh những niềm vui khi đón thiên thần nhỏ chào đời, chắc hẳn anh cũng trải qua những day dứt với các cặp vợ chồng hiếm muộn không thể có con?
Có người hỏi tôi mỗi ngày đều gặp nhiều câu chuyện buồn vui về vô sinh hiếm muộn như vậy thì có bị chai sạn cảm xúc không? Với tôi mỗi 1 câu chuyện là một cảm xúc riêng, đều cho tôi niềm vui nỗi buồn hay sự day dứt hoặc tác động khác nhau. Và từ đó mỗi ngày tôi có thể trau dồi và giúp cho mỗi người phụ nữ, mỗi cặp gia đình tốt hơn. Tôi nghĩ đó là điều khiến mình không bị chai sạn với nghề.
Một trong những cặp vợ chồng tôi còn có thể nhớ cả họ tên vợ, chồng và ngày tháng năm sinh của họ nữa. Đó là vào năm 2006, họ kết hôn hơn 10 năm rồi, họ đến với tôi rất nhiều lần và trước đó cũng đi nhiều nơi “tìm con” rồi nhưng không có duyên. Khi đến với tôi và nhờ can thiệp thì may mắn là chị ấy có thể đậu thai được nhưng lại không giữ được.
Thời điểm đó chưa có những công nghệ tiên tiến về chẩn đoán gen, chưa có luật về mang thai hộ, nên tôi chỉ có thể giúp họ trong giới hạn ở thời điểm đó thôi. 3 lần tôi hỗ trợ để chị ấy có thai nhưng lần đầu tiên thai chết lưu được 8 tuần, lần thứ 2 được 20 tuần thì sảy, lần 3 thì 25 tuần. Quá mệt mỏi và tuyệt vọng, chị ấy đã quyết định dừng lại. Sau này tôi được biết 2 vợ chồng đã xin con nuôi. Đó là câu chuyện khiến tôi day dứt mãi, vì tôi đã mang lại hy vọng cho chị ấy sau rất nhiều lần thất bại ở các nơi khác, nhưng rồi cũng không có kết quả. Bây giờ chắc chị ấy cũng ngoài 50 tuổi, con nuôi cũng đã lớn, họ có vui hay không, tôi không chắc nữa nhưng hy vọng chị vẫn hạnh phúc với tổ ấm đó.
Cơ duyên nào giúp anh trở thành vị bác sĩ sản được nhiều nữ nghệ sĩ tìm đến trong hành trình sinh con của họ?
Ngay từ những ngày mới bước chân vào nghề, tôi đã tiếp xúc với nghệ sĩ một cách rất ngẫu nhiên, không hề có ai giới thiệu hết. Tôi là người không quan tâm đến giới nghệ sĩ lắm nên nhiều khi tôi cũng không biết họ là ai.
Lần đầu tiên khám cho nghệ sĩ là lúc tôi mới ra trường, chỉ khám và phụ mổ chứ chưa được mổ chính. Lúc đó chị bệnh nhân vừa mổ phụ khoa có hỏi tôi là “mổ xong chị xuất viện thì có thể đi diễn được không?” Tôi mới thắc mắc chị làm gì mà đi diễn, chị diễn gì thì chị ấy bất ngờ hỏi “Em không biết chị là ai hả?”
Tôi hỏi mới biết chị là nghệ sĩ múa Vương Linh (mẹ nghệ sĩ múa Linh Nga bây giờ).
Sau này chắc do cái duyên, tôi lại được tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ như Phương Thanh, Mỹ Lệ. Nhưng tôi ấn tượng sâu sắc nhất là chị Cát Phượng. Tôi khám và làm hồ sơ nhập viện cho chị khi chị chuyển dạ sinh, lúc đó tôi cũng chưa biết nhiều về chị và chị cũng không biết tôi. Sau này khi nghe chị tâm sự trên các talkshow về cuộc đời chị, tôi lại càng thấy thương và thấu cảm với chị nhiều hơn và nhớ lại cảnh lúc chị đi sanh.
Còn Diệp Lâm Anh cũng là một ca sinh gây ấn tượng với tôi. Tôi khám và đỡ sinh cho bạn ấy từ Boorin đến B. Boy trong 2 năm. Ngày sinh của B.Boy là 1/11 còn thôi nôi của bé gái Boorin lại ngay ngày hôm sau 2/11. Tôi cảm giác như mình đón B.Boy ra đời để cậu bé được dự tiệc sinh nhật của chị gái vậy.
Diệp Lâm Anh là cô gái mà tôi rất quý vì bạn ấy rất mạnh mẽ.
Quá trình thăm khám cho các nghệ sĩ khác với các mẹ bình thường như thế nào, khi nghệ sĩ cần bảo mật thông tin rất cao và lịch diễn của họ cũng khá dày đặc?
Tôi không thấy có gì khác biệt lắm. Tôi là bác sĩ, khi ngồi khám bệnh thì tôi tập trung vào chuyên môn của tôi. Còn họ là nghệ sĩ khi trên sân khấu thì họ đang làm chuyên môn của họ. Hầu như tôi thấy các nghệ sĩ đều rất dễ thương, tôi chưa gặp ai có bệnh ngôi sao khi đến gặp tôi, ở đâu hoặc báo chí nói thế nào thì tôi không biết nhưng đến với tôi họ đều rất “nice” nên không thấy khác biệt gì giữa họ ở đời thường hoặc khi trên sân khấu cả.
Mọi người cứ nghĩ nghệ sĩ là người được làm những công việc nhẹ nhàng, hào nhoáng nhưng thật sự không phải như vậy. Họ là những người làm việc rất cực lực, nhiều khi 1 ngày họ làm đến 20 tiếng nên lúc khám thai cho họ thì thời gian eo hẹp không có nhiều. Khi đến với phòng khám của tôi thì họ không yêu cầu bảo mật quá khắt khe nhưng bản thân tôi tự biết là họ cũng cần điều đó nên thường tôi sẽ hẹn những giờ vắng bệnh nhân để các bạn nghệ sĩ có thể thoải mái.
Cái khó nhất là chuyện dưỡng thai của nghệ sĩ, trong suốt thai kỳ, tôi luôn nhắn tin nhắc nhở các bạn chú ý đến các hoạt động biểu diễn nặng gây ảnh hưởng thai kỳ. Có những bạn mang bầu nhưng vẫn phải diễn cảnh lăn lộn, lội xuống sình bùn, rồi phải diễn cảnh đánh đấm… thì mình luôn luôn phải nhắc nhở họ cẩn thận. Thậm chí có bạn nhắn tin hỏi là bây giờ em phải đu dây, mà mỗi lần đu dây thì dây quấn quanh bụng có được hay không, mà lúc đó chưa ai biết bạn mang thai và bạn cũng chưa có ý định công bố nên không ai nương cho bạn được, nên tôi phải dặn bạn phải tự nương như thế nào để có thể vừa an toàn cho thai kỳ vừa đảm bảo công việc.
Chính vì những quan tâm sát sao như vậy nên các nghệ sĩ và tôi cũng trở nên thân thiết hơn.
Gia đình các nghệ sĩ có thường xuyên giữ liên lạc với anh để chia sẻ về niềm vui khi con của họ lớn từng ngày không?
Rất là thường xuyên, vì ngoài phòng khám phụ khoa tôi còn có 1 phòng khám nhi khoa. Sau khi tôi đỡ sinh thì các em bé sẽ được tiếp tục theo dõi, thăm khám ở phòng khám nhi khoa Hiền Đức. Tôi tiếp xúc không chỉ nghệ sĩ mà cả chồng, mẹ, và gia đình 2 bên của họ nữa. Mọi người rất quý tôi.
Thông thường các nghệ sĩ sẽ đi thăm khám cùng mẹ hoặc chồng. Dù là đại gia hay doanh nhân gì thì khoảnh khắc nhìn được hình ảnh của con qua máy siêu âm đều rất thiêng liêng nên họ sắp xếp thời gian đến với tôi rất nhiều. Có bạn tôi hẹn 1 tháng mới tái khám nhưng sau 1 tuần vợ chồng lại đưa nhau đến vì nói muốn… xem con.
Trở thành một bác sĩ được nhiều người yêu mến tin tưởng, theo anh điều cần nhất là gì?
Để trở thành bác sĩ thì điều tiên quyết là phải giỏi. Vì nếu bạn không giỏi, bạn chỉ hại người thôi. Trong lời thề Hippocrate có câu “Anh là bác sĩ gì đi nữa, điều đầu tiên không cần biết anh có giúp được gì cho người ta không nhưng anh đừng hại người ta”.
Nhưng người này hơn người kia là ở cái tâm, họ sẽ đặt tâm họ với từng cá nhân. Với tôi từ xưa tới giờ tôi không áp cùng một công thức lên bất cứ điều gì, kể cả bệnh nhân. Tôi luôn tách biệt từng bệnh nhân, cá thể hóa từng trường hợp, vì mình không thể đưa ra 1 phác đồ điều trị cho tất cả mọi người được. Mỗi người sẽ có hoàn cảnh riêng, điều kiện kinh tế riêng, tính cách và sức khỏe, cơ địa và sự chuyển hóa cơ thể sẽ phù hợp với phác đồ điều trị như thế nào.
Để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp thì ngoài thăm khám, tôi còn phải làm bạn với họ, tạo nên sự tin tưởng để họ trải lòng hết tất cả mọi thứ, khi hiểu được từng ngóc ngách vấn đề cá nhân của họ thì mình sẽ chọn ra phương pháp điều trị phù hợp. Từ xưa đi học tôi đã có quan điểm như vậy rồi.
Nhiều gia đình sẽ đặt tên con theo tên của vị bác sĩ chữa hiếm muộn cho họ, vậy có bao nhiêu “em bé Hiền” đã ra đời?
Có rất nhiều em bé tên Hiền tôi không nhớ bao nhiêu, có người đặt con tên Hiền, Hiền Đức, tên đệm, thậm chí có người 2 đứa con, đứa tên Hiền đứa tên Đức. Nhiều khi xong rồi họ đến chơi hoặc đến khám, dắt con theo thì họ giới thiệu đây là bé Hiền…
Bác sĩ Hiền định nghĩa thế nào về “hạnh phúc”?
Tôi không định nghĩa và chưa bao giờ đi tìm kiếm hạnh phúc mà chỉ thấy vui với hiện tại, và tôi cho đó là hạnh phúc.
Cuộc đời tôi có thể diễn tả bằng 2 từ may mắn. Tất cả mọi thứ đến với tôi đều là may mắn chứ tôi không quá giỏi giang xuất sắc hay quá thuận lợi trong cuộc đời mình, nhưng mọi thứ đến với mình rất ngẫu nhiên và may mắn.
Cảm ơn bác sĩ Lê Văn Hiền và chúc anh luôn hạnh phúc trong hành trình tuyệt vời này của mình./.
link tham khảo: https://kenh14.vn/gap-vi-bac-si-chuyen-do-de-cho-loat-nghe-si-noi-tieng-toi-quy-diep-lam-anh-vi-ban-ay-rat-manh-me-20240519115054496.chn