Tiêu chảy là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Việc chăm sóc đôi lúc còn bối rối với nhiều phụ huynh, nhất là với các ông bố bà mẹ có con lần đầu. Sau đây là một số chú ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp bố mẹ cần lưu ý
DINH DƯỠNG
Trẻ tiêu chảy sẽ mệt mỏi, biếng ăn do đó dinh dưỡng tốt sẽ giúp trẻ mau lành bệnh hơn. Tránh việc cho trẻ nhịn ăn hoặc uống, nên cho trẻ uống nhiều nước và ăn bình thường, chú ý chọn thức ăn nấu chín kỹ và dễ tiêu hóa như cháo thịt, cơm…
Một số thức ăn/nước uống khác bố mẹ có thể cho trẻ ăn uống như:
• Nước ép trái cây không đường
• Các loại thực phẩm chứa kali cao như chuối, khoai tây
• Các loại thực phẩm và thức uống có chứa natri cao như nước canh, súp, nước giải khát, bánh quy mặn
• Các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, bột yến mạch, gạo
Lưu ý:
• Hạn chế thực phẩm có đường vì sẽ làm cho bệnh nặng hơn
• Tránh các thực phẩm có chứa caffeine như trà, cà phê, nước ngọt có ga
• Tránh các sản phẩm từ sữa
BÙ NƯỚC
Cách bù nước cũng rất quan trọng trong điều trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Chọn lựa nước bù là nước biển khô (điện giải – Oresol), trường hợp trẻ không chịu uống có thể thay thế bằng các dung dịch mặn ngọt khác như nước dừa pha muối, nước gạo rang cà rốt…
Liều lượng bao nhiêu là đủ? Thường sẽ bù bằng lượng nước mất qua phân hoặc dịch ói (đi tiêu bao nhiêu bù bấy nhiêu nước). Trong trường hợp không ước lượng được lượng nước mất thì sẽ bù theo công thức 50 – 100ml/kg cân nặng sau mỗi lần đi tiêu. Cách bù là cho uống từ từ bằng muỗng, không được uống nhanh một lúc.
CÁC DẤU HIỆU NGUY HIỂM CẦN CHO TRẺ ĐI KHÁM NGAY
Cần cho trẻ đi khám ngay khi có 1 trong các triệu chứng sau:
• Phân lẫn máu
• Trẻ có các dấu hiệu mất nước: rất khát; môi, da khô; khóc không có nước mắt…
• Bỏ ăn, uống
• Đau bụng dữ dội, dai dẳng, xuất hiện theo từng cơn
• Nôn ói nhiều lần
• Đi tiêu trên 8 lần trong 6 giờ
• Trẻ yếu, mệt mỏi, thờ ơ
• Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức
• Thóp của trẻ sơ sinh bị lõm
• Dịch nôn có màu xanh
• Tình trạng tiêu chảy không giảm sau 7 ngày