NGỘ ĐỘC THỨC ĂN

Thời tiết nóng là một trong những nguyên nhân thuận lợi để bệnh đường tiêu hóa gia tăng đặc biệt là ngộ độc thức ăn.
Ngộ độc thức ăn là một bệnh có thể gây buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Nguyên nhân do ăn thực phẩm có chứa mầm bệnh, chẳng hạn như vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng.
Vi trùng có thể xâm nhập vào thực phẩm bằng cách nào?
• Người bệnh có thể lây lan vi trùng sang thức ăn họ nấu nếu không rửa tay trước khi chạm vào thức ăn.
• Vi trùng có thể sống trong hoặc trên thực phẩm. Nếu thực phẩm không được rửa sạch hoặc nấu chín không kỹ, vi trùng trong hoặc trên thực phẩm có thể lây nhiễm sang người.
• Mầm bệnh từ một loại thực phẩm có thể lây sang một loại thực phẩm khác. Điều này có thể xảy ra khi một người sử dụng cùng một thớt hoặc dao để chế biến các loại thực phẩm khác nhau.
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm là gì? Có thể xảy ra ngay sau khi một người ăn thực phẩm đó, hoặc vài ngày hoặc vài tuần sau đó. Các triệu chứng phổ biến:
• Buồn nôn hoặc nôn
• Đau bụng
• Tiêu chảy phân lỏng hoặc có máu
• Sốt
Những điều cần làm khi bé có dấu hiệu ngộ độc thức ăn:
• Cho bé uống đủ nước để cơ thể không bị “mất nước”. Bù nước bằng nước “ biển khô” – dung dịch chứa điện giải. Lượng nước bù được ước lượng bằng số nước mất qua dịch ói và phân lỏng. Bé dưới 1 tuổi bù 50 – 100ml/ sau mỗi lần bé ói hoặc tiêu lỏng. Bé trên 1 tuổi bù 100 – 200ml/ lần. Bù nước phải thật chậm, đút bằng muỗng từ từ.
• Ăn nhiều bữa nhỏ thức ăn không chứa nhiều chất béo. Thức ăn loãng dễ tiêu như cháo, súp.
• Nghỉ ngơi
Khi nào cho bé đến gặp bác sĩ:
• Đi tiêu lỏng hơn 6 lần trong 24 giờ
• Nôn ra máu hoặc đi tiêu ra máu.
• Sốt cao không khỏi sau một ngày.
• Đau bụng dữ dội.
• Bé bị mất nước với các dấu hiệu bao gồm: Tiêu chảy nhiều nước, lừ đừ mệt mỏi, khát nước, khô miệng hoặc lưỡi, mắt trũng, chuột rút, chóng mặt, nước tiểu rất vàng hoặc không đi tiểu trong hơn 5 giờ.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm:
• Chọn mua những thực phẩm tươi sống, không bị ôi thiu, không hết hạn sử dụng, có xuất xứ rõ ràng
• Bảo quản những thức ăn chưa chế biến và đã chế biến trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp
• Không nên để thức ăn đã nấu chín ở nhiệt độ thường quá hai giờ
• Thực hiện quy tắc ăn chín uống sôi
• Đảm bảo dụng cụ chế biến thức ăn sạch sẽ
• Khi đi ăn ngoài, nên chọn ăn ở những nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những quán ăn bụi bẩn, ẩm thấp…
• Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn
Bài viết liên quan