10 QUAN NIỆM SAI LẦM UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Mặc dù hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp phòng ngừa và tầm soát, nhưng ung thư cổ tử cung vẫn là một căn bệnh khá phổ biến ở phụ nữ. Hàng năm ung thư cổ tử cung đã cướp đi mạng sống của hơn 3000 phụ nữ và hơn 5000 phụ nữ Việt Nam mới mắc căn bệnh này. Các chương trình giáo dục sức khoẻ cộng đồng, các chiến dịch giúp đẩy lùi ung thư cổ tử cung đã được tổ chức, nhưng còn không ít người dân có những hiểu biết sai lầm về căn bệnh này. 10 sai lầm phổ biến của căn bệnh ung thư cổ tử cung:
1. Ung thư cổ tử cung chỉ xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ, tuổi trung bình của ung thư cổ tử cung từ 35 – 50 tuổi, tuy nhiên tuổi của phụ nữ bị ung thư cổ tử cung có khuynh hướng trẻ dần và thậm chí có những phụ nữ được chẩn đoán ra bệnh khi ở tuổi quanh 20. Chính vì vậy theo khuyến cáo thì mọi phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
2. Ung thư cổ tử cung có tính di truyền
Chỉ có khoảng < 1/3 các trường hợp ung thư nói chung có tính gia đình, có nghĩa là những người có quan hệ huyết thống với người bị ung thư thì nguy cơ bị ung thư cao hơn so với người khác, ví dụ như ung thư vú, ung thư đại trực tràng dạng polype, ung thư nguyên bào võng mạc,.. Những ung thư khác thông thường có nguyên nhân. Năm 1976 Bác sĩ Harald zur Hausen (người Đức) đã công bố nghiên cứu tìm ra nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV (Human papilloma virus). Việc tìm ra nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung đã giúp cho ngành y tế có chiến lược tầm soát và phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
HPV là virus gây u nhú ở người. HPV có hơn 100 chủng (type) khác nhau, hầu hết các chủng đều vô hại. Trong đó có hơn 40 chủng HPV lây truyền qua đường tình dục và ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục, hậu môn. Một số chủng nguy cơ thấp có thể gây ra mụn cóc, bệnh mồng gà, mụn cóc sinh dục,…. 15 chủng HPV (16, 18, 45, 31, 33, 52, 58, 35, 59, 56, 51, 39, 68, 73, 82) nguy cơ cao gây tổn thương tiền ung thư, ung thư cổ tử cung cũng như ung thư hậu môn và ung thư bộ phận sinh dục khác. Hơn 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do chủng 16 và 18 gây ra.
Một điều nguy hiểm của nhiễm HPV là hầu hết những trường hợp nhiễm bệnh người phụ nữ không có triệu chứng gì, nhiều khi tự hết mà không cần điều trị. Chính vì vậy người bệnh thường không quan tâm để đi khám và điều trị. Nhiễm HPV các nhóm nguy cơ cao, tồn tại lâu dài ở cổ tử cung sẽ dẫn đến những bất thường ở cổ tử cung và tiến triển thành ung thư cổ tử cung.
3. Nhiễm HPV là do bản thân người phụ nữ hoặc chồng quan hệ tình dục lăng nhăng
Rất nhiều phụ nữ khi bị chẩn đoán nhiễm HPV, tiền ung thư cổ tử cung hay ung thư cổ tử cung đều thốt lên là em đâu có quan hệ bậy bạ đâu mà Bác sĩ nói em bị bệnh này, hoặc các chị em nghi người chồng quan hệ lăng nhăng. Thật ra thì HPV là virus rất dễ lây nhiễm do quan hệ tình dục hay những sinh hoạt, vệ sinh đường sinh dục gây ra.
HPV có thể lây truyền từ người này qua người khác qua đường tình dục. Lây truyền qua tiếp xúc da với da, tiếp xúc với dương vật, cổ tử cung, âm đạo, hậu môn của những người bị nhiễm. Hôn hay chạm vào bộ phận sinh dục của đối tác bằng miệng cũng có thể lây truyền HPV. Sử dụng bao cao su là phương pháp bảo vệ tốt nhất cho các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhưng bao cao su không thể che hết toàn bộ bề mặt da xung quang bộ phận sinh dục và hậu môn, do đó bao cao su tỏ ra không hiệu quả đối với nhiễm HPV. Người ta ước tính rằng, khoảng 80% phụ nữ có ít nhất một lần nhiễm HPV trong suốt đời họ. Nguy cơ này bắt đầu từ lần quan hệ tình dục đầu tiên và kéo dài suốt cuộc đời.
4. Ung thư cổ tử cung, trời kêu ai nấy dạ
Việc tìm ra nguyên nhân của ung thư cổ tử cung (do HPV), đã giúp cho ngành y tế có chiến lược trong việc phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả:
Phòng ngừa cấp 2: những phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên đi khám phụ khoa định kỳ hàng năm và làm phết tế bào tầm soát ung thư cổ tử cung để có thể phát hiện những trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao, những tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn tiền xâm lấn nhằm điều trị ngăn ngừa diễn tiến thành ung thư xâm lấn.
Phòng ngừa cấp 1: bao gồm những biện pháp giáo dục trong cộng đồng nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm HPV qua đường tình dục. Ngoài ra hiện nay đã có vaccine HPV ngừa lây nhiễm HPV chủng 16 và 18 (là hai chủng chủ yếu gây ung thư cổ tử cung).
Tóm lại ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm có liên quan chặt chẽ với nhiễm HPV nguy cơ cao. Vì vậy phòng ngừa lây nhiễm HPV bằng cuộc sống tình dục lành mạnh, tiêm ngừa vaccine HPV phối hợp với thăm khám phụ khoa định kỳ hàng năm sẽ giúp người phụ nữ thoát khỏi căn bệnh ung thư cổ tử cung.
5. Ung thư cổ tử cung là một bản án tử hình
Ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng thường được người ta ví von như là một “bản án tử hình” cho những ai mắc căn bệnh này. Rát nhiều nghiên cứu đã ghi nhận đường tinh luyện hay các thực phẩm chứa đường không làm cho tế bào ung thư phát triển. Tuy nhiên ngày nay với sự phát triển của y học rất nhiều phương pháp điều trị ra đời với hiệu quả điều trị ngoạn mục. Đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh đạt tới 100% và còn bảo tồn khả năng sinh sản cho người phụ nữ.
6. Ăn uống bổ dưỡng có thể làm ung thư phát triển nhanh hơn
Rất nhiều người có quan điểm ăn nhiều chất đạm, bổ dưỡng có thể làm cho ung thư phát triển nhanh hơn vì “nuôi” khối u. Tuy nhiên chưa có bất cứ bằng chứng nào ghi nhận đạm hoặc các chất dinh dưỡng có thể làm các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Nhưng việc kiêng khem có thể làm suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến cho bệnh phát tán nhanh hơn.
7. Sừng tê giác có thể chữa được ung thư cổ tử cung và nhiều ung thư khác
Khi bị chẩn đoán ung thư cổ tử cung nhiều người săn lùng mua sừng tê giác với mọi giá để mài ra uống với hy vọng chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên thực tế sừng tê giá chỉ như móng tay, móng chân có chứa keratin, các dẫn xuất guanidine, carbonat calcium và phosphate calcium. Không có bất cứ một bằng chứng nào ghi nhận sừng tê giác có tác dụng điều trị hay hỗ trợ điều trị ung thư.
8. Khi có triệu chứng đau mới có thể chẩn đoán được ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung diễn tiến từ khi bắt đầu đến khi di căn có thể kéo dài nhiều năm. Ở giai đoạn đầu những tổn thương ung thư tại chỗ thường người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt hoặc chỉ có những triệu chứng tương tự như những bệnh viêm nhiễm đường sinh dục như huyết trắng, ra máu âm đạo sau giao hợp. Triệu chứng đau có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh lí khác nhau, tuy nhiên nếu là ung thư thì thường là giai đoạn muộn và đã xâm nhiễm, chèn ép thần kinh.
9. Yên tâm không cần tầm soát khi đã tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
Có 15 chủng HPV gây ung thư cổ tử cung, tuy nhiên hiện nay 2 loại vaccine HPV có mặt tại Việt Nam chỉ ngừa được 2 chủng HPV 16 và 18 (chiếm 70% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung) hoặc vaccine cửu giá đã được FDA cấp phép cũng chỉ ngừa được 9 chủng HPV. Do vậy sau tiêm ngừa người phụ nữ vẫn nên khám phụ khoa và xét nghiệm tầm soát định kì để có thể bảo vệ hoàn toàn khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
10. Tiêm vaccine HPV không hiệu quả khi đã có quan hệ tình dục
Người phụ nữ sau khi bị nhiễm HPV sẽ không có kháng thể bảo vệ, do đó vẫn có thể bị tái nhiễm. Vì vậy cho dù người phụ nữ đã có quan hệ, thậm chí đã từng bị nhiễm HPV, nếu còn trong lứa tuổi từ 9 – 26 tuổi vẫn nên tiêm ngừa HPV phòng ngừa tái nhiễm và vẫn có hiệu quả tốt.
Tóm lại để có thể phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả chúng ta cần có những chương trình giáo dục sức khoẻ cộng đồng để người dân hiểu rõ căn bệnh này, khuyến khích phụ nữ đi khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
Bài viết liên quan